Hầu hết các doanh nghiệp đều cần xây dựng cơ sở khách hàng vững chắc bởi khách hàng chính là yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh. Hiểu một cách đơn giản, doanh nghiệp sẽ khó có thể tồn tại được nếu không có khách hàng. Ở bài viết này, Vietmoz sẽ giúp bạn hiểu hơn thuật ngữ customer profile là gì. Hãy cùng đón xem nhé!
Customer profile là gì?
Customer profile được hiểu là hồ sơ khách hàng hay hồ sơ người tiêu dùng. Đây là một tài liệu ghi lại những thứ liên quan đến khách hàng như sở thích, tính cách, những khó khăn, cách mua hàng và đặc điểm nhân khẩu học. Việc xây dựng customer profile không chỉ giúp cho doanh nghiệp chạy các chiến dịch tiếp thị tốt hơn mà còn gián tiếp giúp làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Các yếu tố cấu tạo nên customer profile
1. Nhân khẩu học (Demographic)
Nhân khẩu học tiết lộ các thông liên quan đến tên, tuổi, giới tính, chủng tộc (tôn giáo), nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân,… của khách hàng. Những thông tin đó phần nào thể hiện nhu cầu của họ, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ sao cho phù hợp.
2. Vị trí địa lý (Geographic)
Vị trí địa lý là những thông tin liên quan đến quê quán, nơi sống hiện tại,… Ví dụ, đối với công ty sản xuất xe ô tô, họ sẽ đặc biệt quan tâm đến yếu tố vị trí địa lý này để có thể xác định xem nên sản xuất loại phương tiện nào nhiều hơn.
Nếu như khách hàng của công ty đó chủ yếu ở khu vực nông thôn, chắc chắn họ sẽ sản xuất những mẫu xe có khối lượng nặng cùng phần lốp dày cho phép người sở hữu có thể dễ dàng băng qua những con đường khúc khuỷu, gập ghềnh.
3. Hành vi (Behavioural)
Hành vi khách hàng tiết lộ những thông tin liên quan đến cách thức mua hàng, các yếu tố về giá cả hoặc chương trình khuyến mãi,… Nói chung là những thứ thúc đẩy họ mua hàng.
4. Tâm lý (Psychographic)
Yếu tố tâm lý tiết lộ cái nhìn sâu sắc hơn về khách hàng thông qua hành vi cũng như niềm tin và lối sống của họ. Họ lo sợ điều gì? Mong muốn điều gì về sản phẩm?… Hiểu rõ những điều này sẽ giúp giải quyết mọi khúc mắc và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phù hợp.
5. Kinh tế xã hội (Socio-economics)
Các customer profile lý tưởng cũng bao gồm những thuộc tính liên quan đến trình độ học vấn cao nhất, địa vị xã hội (thông qua thu nhập), cơ cấu gia đình,… Qua đó biết mức độ mua hàng và những lần gần đây khách hàng mua hàng như thế nào, chi tiền ra sao,…
Một số lợi ích cụ thể khi xây dựng customer profile
Tiết kiệm chi phí quảng cáo
Việc hiểu rõ được các đặc điểm của khách hàng mục tiêu dựa vào customer profile không chỉ giúp cho hoạt động tiếp thị được thúc đẩy mà còn chủ động nhắm đến các phân khúc mục tiêu một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời giúp tiết kiệm chi phí quảng cáo hiệu quả.
Hiểu một cách đơn giản, ví dụ customer profile thể hiện người mua hàng tiềm năng thường sử dụng điện thoại thông minh để mua hàng online, doanh nghiệp bạn có thể quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Shopee, Facebook, Instagram,…
Củng cố uy tín, tạo lòng tin cho khách hàng
Hiểu rõ khách hàng cũng chính là cách giúp bạn học được cách lắng nghe và phục vụ tốt hơn. Dựa trên những vấn đề họ gặp phải để đưa ra những pháp phù hợp với nhu cầu của họ. Điều này không chỉ giúp tạo dựng lòng tin cho khách hàng mà còn khiến cho họ có được trải nghiệm và ấn tượng tốt giúp củng cố uy tín cho doanh nghiệp của bạn.
Đồng thời, khi khách hàng trung thành với công ty của bạn, mức độ mua hàng sẽ gia tăng kéo theo sự gia tăng của lợi nhuận doanh nghiệp. Và đây cũng là một trong những định hướng mà bất kỳ một chiến lược Marketing nào cũng phải đạt được.
Cung cấp sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng
Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp sẽ chia ra nhiều nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau dựa trên sở thích, hành vi và thị hiếu khác nhau. Doanh nghiệp cũng cần nắm rõ được từng nhóm đối tượng đó muốn gì và muốn như thế nào.
Qua đó, bạn có thể cung cấp sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng dựa trên cách chạy các chương trình khuyến mãi và tung ra hàng loạt các mã giảm giá,… Đồng thời điều chỉnh kịp thời và phù hợp các dịch vụ của doanh nghiệp mình để phù hợp với nhu cầu của họ.
Các bước tạo customer profile hiệu quả
Để giúp cho doanh nghiệp tối ưu hóa được quá trình hoạt động và thu về doanh thu cao hơn, cần biết cách tạo customer profile làm sao cho hiệu quả. Thay vì xây dựng dựa theo phán đoán và cảm tính, hãy tham khảo ngay các bước xây dựng customer profile đơn giản mà lại hiệu quả cao ngay sau đây!
1. Sử dụng mẫu hồ sơ khách hàng có sẵn
Nhằm giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức bỏ vào việc thiết lập customer profile, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các mẫu hồ sơ khách hàng có sẵn thay vì tự mình tạo nên một bản đó. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều mẫu hồ sơ khách hàng khác nhau trên các trang mạng xã hội chỉ trong vài giây. Việc của bạn chỉ cần điền thông tin cần thiết vào các mục yêu cầu trong đó.
2. Kiểm tra kỹ thông tin của khách hàng
Khi đã có mẫu hồ sơ khách hàng cũng như hệ thống phần mềm quản lý thông tin khách hàng, bạn có thể tạo một cuộc khảo sát để hiểu hơn về khách hàng, đặc biệt là những điểm đáng chú ý của họ. Nhìn chung, các thông tin cơ bản (tên, tuổi, giới tính, tôn giáo,…) của các đối tượng khách hàng tiềm năng sẽ giúp xây dựng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ.
Để nắm được các điểm đáng chú ý của khách hàng khi xây dựng customer profile, bạn cần làm rõ được một số câu hỏi sau:
- Khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nào?
- Sản phẩm của bạn hướng đến những đối tượng khách hàng nào?
- Doanh thu trung bình hàng năm của họ là bao nhiêu?
- Họ hoạt động ở vị trí nào trong doanh nghiệp? Và doanh nghiệp của họ có bao nhiêu người?…
3. Thu thập các phản hồi, đánh giá từ khách hàng
Một trong những bước giúp cho sản phẩm, dịch vụ cung cấp trở nên tốt hơn và đến gần hơn với khách hàng đó chính là bước thu thập phản hồi và đánh giá của họ sau khi sử dụng. Đó là lúc bạn cần áp dụng các bước phân tích nhân khẩu.
Bên cạnh việc gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại, bạn hoàn toàn có thể tạo các phiếu phản hồi, đánh giá để họ điền vào. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn góp phần làm tăng mối quan hệ giữa đôi bên.
4. Điền dữ liệu vào customer profile
Sau khi đã thực hiện tất cả các bước kể trên, từ có mẫu hồ sơ khách hàng cho đến kiểm tra thông tin và tạo các cuộc khảo sát thu thập đánh giá, phản hồi của họ, việc tiếp theo chính là sắp xếp các dữ liệu cũng như thông tin thành một tập tài liệu hoàn chỉnh để điền vào form customer profile.
Khi tạo hồ sơ khách hàng, tốt nhất là bạn nên đơn giản hóa mọi thông tin dữ liệu để có thể thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm thay vì phân tích một cách chi tiết. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn khiến cho quá trình làm việc trở nên khoa học hơn nhiều.
Nói chung, việc xây dựng Customer Profile (hồ sơ khách hàng) cho từng nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu là vô cùng quan trọng. Hy vọng rằng với những thông tin hữu ích ở trên đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về customer profile là gì! Cập nhật những kiến thức Marketing mới nhất trên website: https://vietmoz.edu.vn/