External link là gì? Đây là câu hỏi thường trực của những người mới tìm hiểu về Seo cũng như chưa thực sự nắm chắc và hiểu sâu những kiến thức liên quan đến nó. Đến với bài viết hôm nay, VietMoz sẽ giúp bạn khám phá chi tiết về External link cũng như phương pháp ứng dụng nó trong Seo hiệu quả hơn.
External link là gì?
External link hay còn gọi là liên kết ngoài dùng để chỉ những liên kết trỏ từ trang web của bạn đến trang web khác thông qua mạng Internet.
Hiểu đơn giản nhất thì cứ có trang web trỏ liên kết về website của bạn thì có thể coi là 1 liên kết ngoài. Ngược lại nếu bạn trỏ link về một trang web khác thì cũng được xem là 1 liên kết ngoài.
Hiện nay có 2 cách dùng external link đó là dofollow và nofollow.
Vậy chúng có sự khác nhau như thế nào?
Với External link sử dụng thuộc tính dofollow có vai trò truyền sức mạnh xếp hạng từ trang web của bạn đến trang mục tiêu. Ngược lại, với thuộc tính nofollow nó chỉ báo hiệu với Googlebot không thu thập những liên kết này để xếp hạng trang, thay vào đó nó chỉ là một dạng liên kết bổ trợ mà người dùng có thể nhấp để tìm hiểu thêm thông tin.
Lưu ý: Hầu hết các liên kết dofollow đều ở dưới dạng mặc định. Riêng nofollow thì yêu cầu người làm seo cần thêm thẻ rel =”nofollow” bên trong liên kết của mình.
Bạn có thể hình dung các liên kết dofollow được hình thành như sau:
- <a href=” https://vietmoz.edu.vn/ “> Khóa đào tạo seo Vietmoz </a>
Còn các liên kết nofollow nó sẽ trông như này:
- <a href=” https://vietmoz.edu.vn/ rel=nofollow”> Khóa đào tạo seo Vietmoz </a>
Phân loại External link
External link hiện nay được chia làm 2 loại cơ bản đó là backlink – tức là trang web bên ngoài trỏ về trang web của bạn và outlink – là liên kết trỏ từ trang web của bạn về trang web khác. Trong đó backlink được cộng đồng Seo đánh giá cao hơn vì nó có có khả năng thúc đẩy thứ hạng website trên công cụ tìm kiếm của Google.
Outbound link
Là liên kết đặt tại website của bạn được trỏ về một trang web khác. Việc chuyển hướng này sẽ khiến bạn mất đi một lượng truy cập nhất định tuy nhiên nó góp phần gia tăng độ uy tín cho trang web.
Nói chính xác hơn thì nội dung mà độc giả đọc trên website của bạn đều đã được tham khảo, xác minh rõ ràng là nguồn tin chính xác. Nhờ đó mà khả năng cao là người đọc sẽ quay trở lại website của bạn để nghiên cứu tìm hiểu thêm.
Inbound link
Inbound link thường được biết đến với tên gọi là backlink: chỉ những link từ trang web khác trỏ về website của bạn.
Backlink là 1 trong những yếu tố quan trọng giúp cho người làm Seo tối ưu Offpage hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng là cách điều hướng người dùng truy cập website của bạn thường xuyên, gia tăng thứ hạng cho web trên công cụ tìm kiếm của Google.
Sự thật khi sử dụng External links
Đối với Outbound link: Việc sử dụng liên kết bên ngoài trang web, nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết nội dung mà bạn đang triển khai. Song song với đó, bạn cũng đang giúp người đọc ngầm hiểu được rằng:
- Thông tin bạn cung cấp hoàn toàn có cơ sở, dữ liệu trực quan.
- Chủ đề bài viết của bạn đã được nghiên cứu cẩn thận.
- Bài viết của bạn chứa nhiều nguồn thông tin có giá trị cho người đọc.
Đối với Inbound link: Việc sở hữu các Inbound link chất lượng không hề dễ, nó là cả 1 quá trình không ngừng nghỉ trong việc phát triển nội dung và SEO website của bạn. Sự thật mà chúng mang lại:
- Nâng cao tính thẩm quyển, độ tin cậy, tính chuyên môn của website.
- Gia tăng thứ hạng cho trang, bài viết.
- Gia tăng lượng traffic vào website.
External link và Internal link khác nhau như thế nào?
Nếu như external link có thể liên kết với bất kỳ tên miền hay trang web nào từ bên ngoài thì internal link chỉ liên kết đến các trang nằm trong cùng 1 miền hoặc cùng tên miền phụ.
Sự khác nhau giữa liên kết bên ngoài với liên kết nội bộ là các liên kết bên ngoài cải thiện uy tín cho trang web của bạn trong khi liên kết nội bộ điều hướng người đọc ở lại lâu hơn trên trang web.
Để bạn có cách nhìn tổng quan hơn nhằm so sánh sự khác nhau giữa external link và internal link, chúng tôi đã xây dựng bảng sau:
Internal link |
External link |
Là một liên kết từ trang này sang trang khác thuộc một tên miền nhất định. | Là liên kết trên website của bạn trỏ đến những trang web khác thông qua Internet. |
Điều hướng người dùng ở lại lâu hơn trên trang web của bạn cũng như gia tăng lưu lượng traffic. | Khiến cho người dùng truy cập vào tìm đến trang web khác và rất có thể không quay trở lại trang web của bạn. |
Khi sử dụng anchor text được tối ưu hóa cho SEO giúp cải thiện thứ hạng từ khóa cho trang mục tiêu. | Cải thiện thứ hạng từ khóa gia tăng mức độ uy tín, chuyên gia cho chính trang web của bạn vì bạn đang trích dẫn các bên có thẩm quyền. |
Liên kết nội bộ sẽ giới hạn trong tổng số trang bạn có trên trang web của mình. | Liên kết bên ngoài là không giới hạn vì số lượng trang web bên ngoài Internet cực kỳ lớn. |
Liên kết nội bộ là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình Seo trên trang. | Các liên kết bên ngoài cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng để tối ưu Seo cho trang web của bạn. |
Lợi ích của External link trong Seo
Theo như khảo sát về yếu tố xếp hạng của công cụ tìm kiếm do Moz tiến hành cho thấy:
External link là mục tiêu hàng đầu mà người làm Seo cần hướng đến để gia tăng thứ hạng cho trang web.
Chính Google cũng đã giới thiệu đến cộng đồng người làm Seo thuật toán PageRank, nhờ nó mà Google dễ dàng thu thập và đánh giá các siêu liên kết chất lượng (xem nó như một phiếu bầu cho mức độ phổ biến của trang web đó).
Theo như Andrey Lipattsev của Google cũng từng phát biểu rằng liên kết là một trong 3 yếu tố xếp hạng hàng đầu. Tham khảo video dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết:
Ngoài ra, external link là 1 phần không thể thiếu trong quá trình triển khai link building bởi nó luôn là thước đo quan trọng trong việc xếp hạng.
5 điều cần biết để áp dụng liên kết bên ngoài tốt nhất cho Seo
Mức độ liên quan
Khi triển khai xây dựng liên kết external link người làm Seo cần xem xét mức độ liên quan của trang web muốn liên kết đến. Nói chính xác hơn là đánh giá xem nó có thực sự phù hợp với những nội dung mà bạn đang trình bày trên trang mình hay không.
Để dùng chỉ số này hiệu quả bạn có thể hình dung nó bằng ví dụ sau đây: Giả sử bạn có một trang web bàn về thiết kế nội thất nhà cửa thì nó sẽ không thể liên kết đến trang web chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho con người, bởi nó không hề có sự liên quan mật thiết nào ở đây cả. Tuy nhiên trang về thiết kế nội thất có thể liên kết đến các chuyên gia kỹ sư hoặc một trang bàn về các nguyên liệu xây dựng nhà cửa, nội thất chẳng hạn.
Quyền hạn của trang liên kết
Việc xét quyền hạn của trang liên kết sẽ giúp người làm seo chọn lọc ra các trang web có tính thẩm quyền cao. Nhờ đó khi dùng external link cho bài viết nó sẽ khẳng định nội dung mà bạn trình bày là đúng đắn.
Ví dụ: Trang của bạn chuyên viết về các nội dung liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe gia đình, bạn có thể trỏ đến trang web của các chuyên gia bác sĩ trong ngành có bàn luận về vấn đề liên quan đến bài viết của bạn.
Nói không với các liên kết không tự nhiên
Với phương pháp này chúng ta cần xem xét và kiểm tra hồ sơ liên kết từ 1 trang web khác đến trang web của bạn đồng thời từ chối cho các liên kết mà bạn cảm thấy nghi ngờ là độc hại ảnh hưởng đến thứ hạng trang web của mình. Nếu như bạn không chủ động gỡ chúng thì rất có thể một ngày sắp tới Google Penguin sẽ có những hình phạt đến trang web của bạn.
So sánh khối lượng trang của từng tên miền
Nếu như mức độ liên quan, quyền hạn và chất lượng của các liên kết là những chỉ số quan trọng đối với external link thì khối lượng trang của từng tên miền cũng quan trọng không kém. Ví dụ như tên miền A và tên miền B đều sở hữu các liên kết chất lượng phù hợp liên quan đến trang web của bạn, trong đó tên miền A sở hữu số lượng trang bài viết lên top lớn hơn tên miền B thì sẽ có lợi hơn cho việc gia tăng khả năng xếp hạng cho trang web của bạn. Như vậy chúng ta cần chú trọng chất lượng và mức độ liên quan của external link hơn là số lượng.
Anchor text
Google từng tuyên bố rằng Anchor text phải được sử dụng một cách khôn ngoan, cụ thể văn bản hiển thị bên trong một liên kết phải giúp người dùng và Google biết trang bạn đang nói gì về trang mà bạn đang liên kết đến. Các liên kết này có thể là External link cũng có thể là Internal link. Hiểu một cách đơn giản trong quá trình bạn sử dụng liên kết bên ngoài thì hãy đa dạng anchor text một cách tự nhiên nhất. Bạn cũng có thể tham khảo hướng dẫn tối ưu công cụ tìm kiếm cho người mới của Google để biết thêm cách sử dụng anchor text hiệu quả.
Khi nào thì tạo liên kết ngoài sử dụng nofollow?
Bạn có thể sử dụng nofollow bất cứ khi nào bạn không muốn truyền sức mạnh trang của mình sang trang khác. Việc dùng thuộc tính nofollow giúp cho các công cụ tìm kiếm thông tin không tính các liên kết đến các trang mà bạn đang hướng đến.
Để sử dụng nofollow hiệu quả bạn nên ứng dụng nó vào những trường hợp được đề cập dưới đây:
Chống spam bình luận với nofollow
Bằng cách này bạn sẽ dễ dàng yêu cầu Google không theo dõi hoặc chuyển danh tiếng thuộc trang của bạn cho các trang mà bạn liên kết đến. Cụ thể bạn chỉ cần thêm rel =”nofollow” hoặc thêm một thuộc tính cụ thể hơn là ugc ngay trong thẻ liên kết được minh hoa như sau:
<a href=”http://www.example.com” rel=”nofollow”>Anchor text here</a>
Hoặc
<a href=”http://www.example.com” rel=”ugc”>Anchor text here</a>
Điều này hiệu quả hơn nếu website của bạn là 1 blog có tính năng bình luận được bật công khai. Có nhiều độc giả lợi dụng điều này sẽ bình luận 1 vài liên kết trỏ về một trang website khác, điều này không khác gì ngang nhiên ăn cắp danh tiếng của bạn.
Nội dung do người dùng tạo
Trường hợp này bạn sẽ thường xuyên bắt gặp ở các trang web cho phép người dùng tạo tài khoản đóng góp nội dung. Như vậy họ dễ dàng xây dựng các liên kết đến trang web của mình mà không hề mất bất cứ đồng tiền nào. Lúc này bạn cần sử dụng thuộc tính nofollow để ngăn cho trang web của mình không chuyển tín hiệu của mình sang trang khác.
Thêm widget, đồ họa hình ảnh video
Khi bạn thêm các widget hay đồ họa hình ảnh video từ nguồn khác vào trang web của mình bạn có thể thêm thuộc tính nofollow. Bạn nên sử dụng nó khi không muốn truyền sức mạnh từ trang mình sang trang đó, nghe có vẻ hơi ích kỷ tuy nhiên hầu hết chúng ta chỉ làm khi cả hai đều có lợi.
Nói không với 6 loại link khi đặt External link
Đặt các External Links trong danh sách
Với các dạng thông tin được viết dưới dạng danh sách thường là những nội dung quan trọng. Thay vì đặt External link bạn nên đặt Internal link để điều hướng người dùng hành động và ở trên trang mình lâu nhất có thể.
Ngược lại, nếu bạn đặt External link tức là bạn đang hướng người đọc khách hàng của mình tìm đến một trang web khác luôn. Và việc ở lại trang bạn để tìm kiếm nghiên cứu thông tin là rất khó.
Liên kết đến trang tiểu sử cá nhân
Với các trang tiểu sử cá nhận, cụ thể là trang của 1 tác giả, 1 người có chuyên môn, có sức ảnh hưởng trong 1 cộng đồng nào đó. Bạn cần đảm bảo trang bạn trỏ đến phải chính xác, cũng như cần kiểm tra chúng thật kỹ càng.
Trường hợp, bạn vẫn còn lưỡng lự và không chắc chắn thì không nên đặt external links.
Link đến website yêu cầu đăng ký để xem thông tin
Ngày nay, với mạng lưới thông tin lớn và liên tục được cập nhật thì việc bạn link đến website có yêu cầu đăng ký để xem thông tin hoặc trả phí thì đa phần người dùng sẽ dừng lại.
Chẳng hạn:
- Một số tờ báo nước ngoài như New York Time,…yêu cầu người dùng đăng ký thì mới có thể truy cập và đọc được tất cả nội dung của họ.
- Một số khác người đọc còn phải trả phí đăng ký để xem các nội dung cao cấp hơn.
Và tất nhiên, không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một thứ mà bản thân họ chưa thực sự rõ nó có mang lại lợi ích gì cho chính bản thân họ hay không.
Vì vậy, bạn cần hết sức cân nhắc trong việc link đến website yêu cầu đăng ký để xem thông tin.
Liên kết đến nội dung không phải tiếng Việt
Tức là bạn cần ưu tiên liên kết đến các trang web Tiếng Việt nhằm người đọc dễ hiểu hơn những gì mà bạn đang cố gắng truyền tải.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể liên kết đến trang web ngôn ngữ nước ngoài nhưng:
- Website đó có nội dung khi được Google dịch sang phải dễ hiểu.
- Nội dung trên trang có hình minh họa, hoặc sơ đồ, bản hướng dẫn mà người đọc chỉ cần nhìn vào cũng nắm được thông tin chính.
Liên kết đến các trang điều hướng
Đây là 1 trong những hành động được liệt kê vào danh sách các trang spam, điều này ảnh hưởng xấu đến thứ hạng của trang trong tương lai.
Ví dụ:
Trang web của bạn viết về chủ đề “làm bánh cookie”, để làm rõ ý bạn link đến một trang web khác viết về “các loại bánh dễ làm”. Tuy nhiên, trang web này lại bị redirect sang một trang khác về “trung tâm đào tạo SEO”.
Như vậy, external link mà bạn chèn lúc này không có giá trị và người dùng sẽ không đánh giá mà bạn nội dung mà bạn đang muốn truyền tải.
Liên kết đến các trang web video do người dùng gửi
Trên thực tế, với các liên kết trỏ đến Youtube hay các trang web video do người dùng gửi không tác động gì đến trang web của bạn. Tuy nhiên, chúng phải được chuẩn hóa tuân theo một số nguyên tắc nhất định.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu của nhiều video trên Youtube hoặc các website tương tự đó chính là bản quyền. Vì vậy, bạn cần đánh giá và xác định các link này có chuẩn không trước khi cung cấp đến người đọc xem nội dung.
5 sai lầm của người làm Seo khi dùng External link
Không sử dụng bất kỳ một External link nào
Có thế có nhiều người nghĩ rằng việc mình sử dụng External link sẽ có lợi cho trang web được trỏ đến, và hơn hết họ nghĩ rằng thứ hạng của mình cũng sẽ vì thế mà bị giảm xuống. Tuy nhiên bạn phải hiểu rằng việc đặt liên kết ngoài là không thể thiếu bởi nó giúp cho Google hiểu rõ hơn về nội dung mà bạn viết trên trang đang đề cập về vấn đề gì.
Ví dụ: Trang bạn đề cập đến chăm sóc làm đẹp cho phụ nữ thì việc bạn liên kết đến một bài viết tập yoga nâng cao sức khỏe cũng là 1 cách hay giúp Google biết thông tin về trang của bạn chuẩn hơn.
Ngoài ra việc sử dụng External link là dấu hiệu hàng đầu giúp các công cụ tìm kiếm Google thấy rằng trang web của bạn đang cung cấp những thông tin đến người dùng có giá trị. Chính Jonathan Hochman một nhà tiếp thị Internet từ năm 1994 cũng từng nhận xét rằng: “Khi bạn không có liên kết ra ngoài, các công cụ tìm kiếm có thể coi trang web của bạn là một nguồn tài nguyên kém chất lượng”.
Không liên kết ngoài tới trang web của đối thủ
Đây là sai lầm mà hầu hết những người mới làm seo đều mắc phải vì họ cho rằng việc liên kết đến trang web của đối thủ là giúp ích cho người khác. Và theo thời gian đối thủ của mình sẽ ngày càng một mạnh hơn cũng như thâu tóm hết tệp khách hàng của mình.
Tuy nhiên đây lại là một sai lầm ảnh hưởng đến quá trình seo website của bạn. Ví như việc bạn không liên kết đến đối thủ cạnh tranh nó không khác gì việc bạn đang bó hẹp phạm vi hoạt động của mình sao cho nó trở nên an toàn hơn. Chúng ta cần hiểu rằng việc xây dựng mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh mạnh sẽ giúp cho trang web của bạn gia tăng lưu lượng truy cập. Không chỉ lợi ích cho chính bạn mà còn cho chính đối thủ của bạn nó giống như việc tương trợ hai bên cùng có lợi.
Thay vì ích kỷ lo thiệt hơn bạn nên tập trung vào việc phát triển những giá trị của mình đang muốn hướng đến cho khách hàng.
Không giám sát các liên kết mà bạn trỏ đi
Đây là sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tối ưu công cụ tìm kiếm của Google. Chúng ta đều biết rằng Google dễ dàng nắm bắt được trang web của bạn đang sử dụng các liên kết ngoài nào. Việc bạn liên kết đến các trang có giá trị, có mức độ liên quan thì quá trình Seo của bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn và ngược lại.
Vì vậy nhằm đảm bảo mọi liên kết có giá trị đến với người dùng bạn cần giám sát tất cả các liên kết ra bên ngoài kể cả các liên kết nằm trong phần bình luận trên website.
Không liên kết đến tài liệu tham khảo
Hiện nay với hệ thống mạng internet toàn cầu, bất kỳ ai cũng có thể tự tạo cho mình một trang web hay blog để viết những gì mà họ muốn. Có bao giờ bạn tự hỏi, liệu những nội dung trên mọi trang web đều đúng, đều chân thực hay chưa? Thực sự mà nói thì không một ai dám chắc rằng những gì mình đọc trên trang web là luôn đúng cả. Nó có thể là trải nghiệm mang tính cá nhân, hoặc được phóng đại thông qua ngôn từ. Vì vậy nhằm mang lại giá trị thiết thực cho nội dung bài viết chúng ta cần liên kết đến các nguồn tài liệu tham khảo.
Ví dụ: Nếu bạn để ý sẽ thấy hầu hết các bài viết của mình luôn để nguồn link tham khảo bài viết từ nước ngoài.
Không đảm bảo các liên kết mình trỏ đi vẫn đang còn hoạt động
Điều này ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng một cách tồi tệ, nó giống như việc bạn viết một bài liên kết đến trang ngoài, một thời gian sau liên kết đó không hoạt động nữa nhưng bạn lại không kiểm tra. Thật khó chịu khi chúng ta nhấp vào liên kết mà nó lại là liên kết hỏng.
Như trong bài viết broken link gần đây mình có đề cập thì các link không hoạt động, link gãy sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng cho trang web của bạn. Giả sử 1 hoặc 2 link thì không sao nhưng trang nào cũng như vậy thì chắc chắn người dùng sẽ không bao giờ muốn quay lại tìm hiểu những nội dung mà trang web bạn cung cấp nữa.
Trên đây là nội dung bàn luận chi tiết về khái niệm external link cũng như các cách để sử dụng liên kết bên ngoài cho Seo hiệu quả nhất. Hy vọng bạn sẽ tích lũy cho mình thật nhiều kiến thức hay ho để ứng dụng vào công việc của mình. Chúc các bạn thành công!
Nguồn tài liệu tham khảo:
- https://www.webfx.com/internet-marketing/do-outbound-links-affect-seo.html
- https://www.computerhope.com/jargon/e/external_link.htm
- https://moz.com/learn/seo/external-link
- https://monsido.com/blog/external-links-outbound-linking-mistakes
Nguồn: vietmoz.edu.vn
Bản quyền thuộc về Đào tạo SEO VietMoz
Vui lòng không copy khi chưa được sự đồng ý của tác giả