Từ khóa là gì? Đây hẳn là câu hỏi mà bất cứ người mới tìm hiểu về SEO đều không khỏi băn khoăn. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ 8 loại từ khóa quan trọng nhất giúp bạn nghiên cứu và tìm kiếm từ khóa để SEO cho trang web của mình.
Từ khóa SEO là gì?
Đa số mọi người biết từ khóa SEO là những từ hoặc cụm từ mà người tìm kiếm nhập vào trên các công cụ tìm kiếm.
Hiểu đơn giản từ khóa SEO là thuật ngữ để nói về những từ khóa được tối ưu trong một bài viết với mục đích cải thiện vị trí xếp hạng của thuật ngữ đó trên SERP.
Các từ khóa SEO thường được lựa chọn sau một quá trình nghiên cứu từ khóa nghiêm túc nhằm chọn ra những từ khóa phù hợp nhất với từng website và mục tiêu tối ưu SEO của chủ trang web.
Tầm quan trọng của từ khóa SEO
Đối với những ai mong muốn website có vị trí cao hơn trong công cụ tìm kiếm và muốn có nhiều lượt truy cập hơn thì từ khóa vô cùng quan trọng. Việc xác định được từ khóa SEO sẽ giúp bạn những việc sau:
- Bạn sẽ xác định được từ khóa mà người tìm kiếm sử dụng khi họ muốn tìm hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
- Xác định từ khóa SEO giúp bạn tối ưu nội dung hiện tại chuẩn chỉnh cũng như giúp các công cụ tìm kiếm hiểu được nội dung mà bạn đang đề cập đang nói về chủ đề gì.
- Giúp bạn xây dựng cấu trúc trang web được dễ dàng hơn.
1. Từ khóa phân loại theo độ dài (Length)
Có nhiều cách để nói về từ khóa, một trong những cách phổ biến nhất là gọi tên theo độ dài.
Từ khóa ngắn (Fat head keyword)
Từ khóa ngắn là những từ khóa có lượng tìm kiếm lớn và với mức độ cạnh tranh cao. Những từ khóa này thường bao gồm 1 hoặc 2 từ và rất ít khi thể hiện rõ mục đích của người tìm kiếm. Ví dụ như: tin tức, hoặc oto
Các từ khóa ngắn (head terms) đại diện cho các từ khóa của thương hiệu, việc giữ TOP cao cho những truy vấn dạng này cho thấy trang web của bạn thực sự được Google đánh giá là một website chất lượng.
Đối với quảng cáo Adwords thì những loại từ khóa này thường có giá CPC khá rẻ, tuy nhiên tỉ lệ chuyển đổi thường không được cao như những từ khóa thương mại (xem nội dung phía dưới).
Từ khóa trung bình (Middle keyword)
Từ khóa trung bình bao gồm 2 từ hoặc 3 từ (ví dụ: oto Đức, công ty SEO, vé máy bay), trong một số trường hợp đặc biệt có thể bao gồm 4 từ khóa (chẳng hạn như: du lịch Nha Trang, phòng khám nha khoa).
Từ khóa dài (Long tail keywords)
Từ khóa này thường có từ 4 tới 5 từ trở lên, lưu lượng tìm kiếm của các từ khóa này thường thấp hơn rất nhiều so với các từ khóa ngắn hoặc từ khóa trung bình.
Những từ khóa này là những từ khóa mà bạn có thể xếp hạng trên trang 1 của kết quả tìm kiếm bởi mức độ cạnh tranh của những từ khóa này thường thấp hơn với 2 loại từ khóa trên.
2. Từ khóa theo ý định tìm kiếm (Search Intent)
Phân loại từ khóa đề cập tới mục đích của người tìm kiếm khi thực hiện các truy vấn trên công cụ tìm kiếm. Có 4 loại ý định tìm kiếm được sử dụng phổ biến nhất:
Thông tin (Information Intent)
Rất nhiều tìm kiếm trên internet được thực hiện để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin cụ thể như thông tin về dự báo thời tiết, thông tin về ngành giáo dục..
Tìm kiếm mong muốn truy cập vào một trang web cụ thể, ví dụ như tìm tên thương hiệu vietnamnet để vào website vietnamnet.vn
Điều tra thương mại (Commercial Investigation Intent)
Người dùng đã có ý định mua hàng nhưng đang cân nhắc và tìm hiểu các phương án phù hợp với họ. Ví dụ như trung tâm đào tạo SEO tốt nhất? Tivi 50 inch nào tốt nhất?
Mua hàng (Transactional Intent)
Người tìm kiếm có nhu cầu mua hàng thường sẽ chứa những từ khóa như mua, giá rẻ, trả góp…
3. Từ khóa sửa đổi (Keyword modifer)
Từ khóa sửa đổi (keyword modifer) là những từ khóa mà bạn thêm vào những từ khóa chính để tạo ra một từ khóa dài cụ thể hơn. Thấu hiểu keyword modifer sẽ giúp bạn dễ xác định mục đích tìm kiếm của người dùng. Từ đó giúp bạn có hướng biên tập những nội dung đúng, phù hợp với nhu cầu của người dùng hơn.
4. Từ khóa phân loại theo độ tươi mới
Từ khóa mới ngắn hạn (Freshness)
Đây là những nhóm từ khóa liên quan tới các sự kiện đang diễn ra. Lượng tìm kiếm của các từ khóa này thường tăng đột biến trong thời gian ngắn và giảm dần qua thời gian hoặc sau đó không còn phổ biến. Ví dụ từ khóa là tên các bộ phim mới ra rạp, hoặc các sự kiện mới nhất như đại dịch Covid diễn ra trong thời gian qua.
Từ khóa dài hạn
Đây là các từ khóa có lượt tìm kiếm ổn định, ít khi tăng đột biến và cũng không bị lãng quên. Ví dụ như: cách nấu thịt kho tàu, phim hành động, bóng đá…
5. Phân loại từ khóa theo chủ đề
Từ khóa chính
Từ khóa chính là các từ khóa trọng tâm mà bạn muốn xếp hạng. Các từ khóa này thường là những từ khóa có lượt tìm kiếm cao, có tính đại diện cho ngành nghề hoặc sản phẩm dịch vụ của trang web.
Từ khóa này thường sẽ tìm thấy trên trang danh mục sản phẩm hoặc trên Page title các bài viết trên website.
Từ khóa LSI
Từ khóa LSI là các từ khóa liên quan có nghĩa tương đồng thường được chia sẻ với nhau trong cùng một ngữ cảnh. Ví dụ như khi nói về pizza thì LSI sẽ là: pho mát, giao hàng, vỏ, thành phần, nhà hàng.
Như vậy, bạn có thể thấy rằng khi nói về LSI chúng ta có thể hiểu ngay đó là những cụm từ có sự liên quan chặt chẽ với nhau và Google khi thực hiện Crawl các trang nói về một từ khóa cụ thể sẽ trả kết quả phù hợp cho người dùng đúng nhất.
6. Phân loại theo lĩnh vực kinh doanh (Commerce)
Từ khóa có thương hiệu
Các từ khóa có chứa tên thương hiệu của bạn hoặc thương hiệu của đối thủ cạnh tranh. Người dùng thường tìm kiếm trực tiếp loại từ khóa này khi họ đã biết một chút về thương hiệu sản phẩm của bạn. Ví dụ: USB Kington 2gb
Từ khóa xác định thuộc tính sản phẩm
Các từ khóa này liên quan đến các sản phẩm cụ thể như màu sắc kích cỡ, kiểu dáng.
Từ khóa phân loại theo mục tiêu địa lý
Các từ khóa này thường được Google ưu tiên hiển thị bản đồ chỉ đường trên SERP. Ví dụ: sửa laptop tại Hà Đông.
Từ khóa phân loại đối tượng khách hàng
Từ khóa thể hiện đối tượng sử dụng, ví dụ như phòng tập gym cho nữ.
7. Từ khóa sai chính tả
Đôi lúc người tìm kiếm sẽ mắc lỗi chính tả khi tìm kiếm vì vậy cũng có rất nhiều chủ trang web tập trung tối ưu SEO những từ khóa sai chính tả và coi đấy là một chiến lược SEO quan trọng.
Từ khóa có dấu và không dấu
Với Google tiếng Việt thì từ khóa có dấu và không dấu là 2 từ khóa khác nhau nhưng cùng một nghĩa. Bạn có thể xếp hạng cả 2 loại từ khóa này trên cùng một bài viết nhưng không phải có vị trí thứ hạng như nhau.
Khi làm SEO bạn cần thực hiện tối ưu hóa để xếp hạng cao với cả 2 từ khóa này. Đối với một số công ty SEO họ có thể tính tiền SEO cho cả 2 từ trong thực tế đôi lúc họ chỉ SEO 1 từ (bởi vẫn có trường hợp chỉ SEO từ có dấu nhưng từ không dấu vẫn lên TOP theo).
8. Phân loại từ khóa theo quảng cáo Google
Đối với quảng cáo Adwords, Google có 4 loại đối sánh từ khóa để xác định các quảng cáo nào sẽ được kích hoạt.
Từ khóa mở rộng
Với cài đặt này, Google sẽ kích hoạt quảng cáo hiển thị tất cả các từ khóa là những biến thể bao gồm cả từ đồng nghĩa và lỗi chính tả. Ví dụ khi cài đặt từ khóa “là sẹo” thì người dùng tìm kiếm “làm SEO” quảng cáo vẫn được kích hoạt.
Từ khóa cụm từ
Từ khóa cụm từ đuợc kích hoạt với các truy vấn có chứa cụm từ khóa bạn đã cài đặt. Ví dụ từ khóa của bạn là “vợt cầu lông” thì quảng cáo của bạn sẽ được kích hoạt với những tìm kiếm “vợt cầu lông giá rẻ”, “vợt cầu lông chính hãng”, “các loại vợt cầu lông tốt nhất”.
Từ khóa chính xác
Với lựa chọn này, quảng cáo chỉ được kích hoạt khi người tìm kiếm thực hiện chính xác các truy vấn đã được cài đặt. Giả sử tôi mua từ khóa “ví da nam”, nếu người dùng tìm kiếm ví da nam giá rẻ thì quảng cáo của tôi sẽ không kích hoạt. Quảng cáo chỉ kích hoạt khi người dùng tìm kiếm đúng truy vấn từ khóa là “ví da nam“.
Từ khóa phủ định
Đây là những từ khóa mà nhà quảng cáo thường không muốn hiển thị khi người dùng tìm kiếm. Ví dụ tôi có một cửa hàng bán điện thoại Vertu chính hãng, tôi không muốn hiển thị với những truy vấn như: “vertu china”, “vertu trung quốc”, “vertu fake”.
Cách tìm kiếm từ khóa
Sử dụng Google autocomplete
Google autocomplete (thường được biết đến với tên gọi Google Suggest). Bạn có thể sử dụng chức năng gợi ý các từ khóa liên quan của Google khi tìm kiếm một từ khóa nào đó.
Đối với những người mới bắt đầu làm SEO, các từ khóa này thường rất phù hợp để bạn thực hành SEO để đạt hiệu quả nhanh nhất.
Sử dụng Google Trends
Google Trends sẽ cho bạn hiểu rõ từ khóa đó đang có xu hướng như thế nào? Điều này sẽ giảm thiểu việc bạn SEO các từ khóa mà không ai tìm kiếm.
Sử dụng các công cụ hỗ trợ tìm kiếm từ khóa
Có rất nhiều công cụ hỗ trợ tìm kiếm và phân tích từ khóa, bạn hoàn toàn có thể có được những gợi ý tuyệt vời để lựa chọn từ khóa phù hợp. Một số công cụ phổ biến mọi người thường sử dụng đó là:
- Google Keywords Planner
- Ahrefs
- KWFinder
- Keywordtools.io
- SEMrush
- AnswerThePublic.com
Đối với những website đã hoạt động
Đối với những ai đã có website và có thứ hạng trên Google, bạn có thể sử dụng Google Analytics và Search Console để nghiên cứu và tìm kiếm thêm nhiều từ khóa liên quan để tối ưu hiệu suất của các từ khóa trên cùng 1 đường dẫn.
Nên thêm từ khóa ở những vị trí nào?
Tương tự như việc tối ưu mật độ từ khóa trong bài viết, thì việc quan trọng bạn cần quan tâm đó là chèn từ khóa ở đâu để gia tăng tính dễ đọc cho bộ máy tìm kiếm cũng như người dùng.
Lưu ý: Việc thêm từ khóa ở mức vừa phải tránh tình trạng nhồi nhét từ khóa trên trang, ảnh hướng đến thứ hạng trên kết quả tìm kiếm.
Dưới đây là những vị trí bạn cần ưu tiên thêm từ khóa vào đó:
- Tiêu đề trang và tiêu đề SEO
Tiêu đề trang và tiêu đề SEO nhất thiết lúc nào cũng phải chứa từ khóa của mình. Vì nó là điểm đầu mà người dùng nhìn thấy, cũng như quyết định họ có nhấp chuột vào đó hay không.
- Tiêu đề phụ
Tiêu đề phụ bao gồm (H2, H3..) bạn nên thêm từ khóa của mình nhưng không phải tất cả. Hiểu đơn giản các từ khóa này cần có khoảng cách nhất định tùy thuộc vào độ của trang hoặc bài đăng của bạn.
Muốn như vậy, bạn sẽ cần phải thực hành viết content chuẩn SEO rất nhiều thì sẽ nhận ra các vấn đề liên quan này.
- Giới thiệu
Phần giới thiệu không khác gì là phần mở bài dẫn lối người đọc tìm đến nội dung chính được đề cập trong bài. Đây là cơ hội để bạn thêm từ khóa của mình vào nhằm dẫn dắt người đọc đi đúng hướng.
- Văn bản thay thế hình ảnh
Với những hình ảnh có nội dung liên quan đến chủ đề chính của bài viết, bạn có thể thêm một số văn bản thay thế vào hình ảnh và xem liệu có xen được từ khóa của mình một cách tự nhiên hay không.
- Thẻ Meta Decriptions
Đoạn mô tả này là một phần mà Google sẽ hiển thị trong kết quả tìm kiếm, tuy nhiên hiện tại Google sẽ không lấy nó nữa mà lấy một đoạn bất kỳ trong bài viết của bạn làm đoạn mô tả để hiển thị. Nhưng không có nghĩa là bạn sẽ bỏ qua nó, đây cũng là một nơi tyệt vời để bạn thêm từ khóa của mình.
- URL Slug
URL giúp Google xác định một trang cụ thể đang đề cập đến từ khóa chính nào, đó là lý do mà bạn cần tối ưu URL ngắn gọn và có chứa từ khóa chính của bài viết. Đây là 1 trong những yếu tố không thể bỏ qua trong quá trình tối ưu Onpage.
Tổng kết
Có rất nhiều cách phân loại từ khóa khác nhau và mỗi cách phân loại lại có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên bạn không cần phải phân tích từ khóa theo tất cả các loại mà hãy cố gắng lựa chọn 1 cách phân loại giúp bạn dễ hiểu và dễ tìm kiếm từ khóa nhất.
Việc xác định từ khóa và phân loại từ khóa có liên quan tới mức độ cạnh tranh và lưu lượng tìm kiếm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình SEO trang web của bạn trong tương lai.
Chúc các bạn nhiều sức khỏe và lựa chọn được thật nhiều từ khóa cho trang web của mình.
Từ khóa là gì?
Nghiên cứu từ khóa là gì?
nghiên cứu các thuật ngữ tìm kiếm phổ biến mà mọi người nhập vào các công cụ tìm kiếm như Google và đưa chúng vào chiến lược trong nội dung của bạn để nội dung của bạn xuất hiện cao hơn trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP)
Cho em hỏi ngu 😀 Từ khoá là có phần điền từ khoá trong website để google biết mình đang hướng đến chủ đề nào hay là google tự nhận diện từ khoá ạ?
Bạn đặt câu hỏi rõ hơn được không
anh ơi phần câu hỏi FAQ này làm như thế nào vậy ạ. Em cảm ơn ạ
Phần FAQ là anh dùng tiện ích có sẵn trong RankMath đó em.
Anh ơi phần menu bài viết anh làm nhìn oke quá, anh có thể chia sẻ menu này làm kiểu gì không ạ. Em cảm ơn anh
Phần menu bài viết là bên anh tự code, nếu em sử dụng nền tảng wordpress thì em có thể cài thêm plugin có tên” fixed toc wordpress plugin, plugin đó cũng có tính năng tương tự như cái anh tự code. Cách dùng cũng đơn giản lắm, rất nhiều website đều đang xài cái đó.